I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ VỀ TẨY TRẮNG RĂNG
Trong hai thập kỷ qua, tẩy trắng đã trở thành một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất của nha khoa thẩm mỹ. Từ những năm 1800, ban đầu các bác sĩ chỉ quan tâm đến tẩy trắng răng bị đổi màu do chấn thương hoặc sau điều trị nội nha các răng chết tủy. Vào cuối những năm 1980, làm trắng răng đã thay đổi đáng kể với sự phát triển của các sản phẩm tẩy trắng, có thể tẩy tại phòng nha, tẩy trắng tại nhà (khay tẩy trắng) được theo dõi bởi các bác sĩ hoặc các sản phẩm tự tẩy trắng khác được bày bán khắp nơi trên thị trường. Để giải quyết vấn đề an toàn của các sản phẩm tẩy trắng, năm 1993 Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ (ADA) đã triệu tập một nhóm chuyên gia nhằm cung cấp các hướng dẫn giúp mọi người lựa chọn các sản phẩm tẩy trắng an toàn. Nhưng hướng dẫn này được thu hồi trong thời một thời gian ngắn sau đó. Năm 2005, Ủy ban khoa học Châu Âu về sản phẩm tiêu dung (SCCP)kết luận rằng :”Các sản phẩm tẩy trắngđược xem là an toàn khi có nồng độ hydrogen peroxide trong khoảng từ 0,1 – 6% (hoặc tương đương đối với các chất giải phóng hydrogen peroxide)”. Năm 2008, một lần nữa SCCP đề nghị các sản phẩm tẩy trắng có nồng độ hydrogen peroxide dưới 6% là an toàn. Hiện nay, tất cả các sản phẩm tẩy trắng răng vẫn không được phân loại bởi Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA). Điều này bao gồm tất cả các sản phẩm dựa trên peroxide được sử dụng trong phòng nha, tẩy trắng tại nhà dưới sự theo dõi của bác sĩ, các sản phẩm tự tẩy trắng trên thị trường.
II. NGUYÊN NHÂN LÀM ĐỔI MÀU RĂNG
1. Do nhiễm màu từ bên ngoài: hút thuốc lá, uống trà, cà phê, ăn trầu... hay sự ngấm dần lâu dài của chất màu có trong thực phẩm trong quá trình ăn nhai thì răng cũng ngả màu.
Nhiễm màu do các nguyên nhân từ bên ngoài thường có thể được tẩy trắng dễ dàng.
2. Do thứ phát sau điều trị hoặc bệnh lý:
- Tetracycline: là một loại kháng sinh thường được dùng trước đây, ngày nay còn có doxycycline, inoxycline là các kháng sinh cùng nhóm với tetracycline. Nếu bà mẹ uống các loại thuốc này khi đang mang thai hay trẻ nhỏ uống thuốc này trước 7 – 8 tuổi thì có thể làm răng sậm màu, mức độ sậm màu tùy thuộc vào thời điểm và thời gian dùng thuốc, liều lượng và loại thuốc. Màu răng có thể trở nên vàng, nâu hay xám xanh. Sự thay đổi này có thể xảy ra trên toàn bộ răng hay chỉ có một vùng răng nào đó, làm răng có những dải màu khác nhau. Trong trường hợp nặng, răng có thể bị lỗ chỗ, khiếm khuyết mất đi hình dáng bình thường của nó.
- Fluor: là một chất hóa học có khả năng chống sâu răng, vì vậy nó thường được thêm vào kem đánh răng, sữa, nước máy... và nó cũng có trong tự nhiên như trong nước giếng... Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai hay trẻ em sử dụng quá liều cũng gây nên đổi màu răng, răng có thể bị những vết nâu hay trắng đục, nặng thì có thể gây khiếm khuyết cấu trúc men răng. Răng bị nhiễm fluor gọi là fluoro.
- Các bệnh lý ở răng: sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng, chết tủy, là những yếu tố tác động làm ngả màu răng. Sự hoạt động của các vi khuẩn gây bệnh, cộng với chất cặn bã của thức ăn được lên men trong nước bọt sẽ làm cho men răng bị ảnh hưởng.
Các nguyên nhân này thường cho kết quả tẩy trắng kém hoặc không đáp ứng với tẩy trắng.
III. THÀNH PHẦN, TÁC DỤNG CỦA THUỐC TẨY TRẮNG
Các hợp chất peroxide, gồm carbamide peroxide, hydrogen peroxide, Natri perborate và canxi peroxide, đã được sử dụng như là hoạt chất chính của các sản phẩm tẩy trắng. Gần đây, sản phẩm có chứa chlorine dioxide được giới thiệu ở Anh, nhưng chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hợp chất này an toàn hơn các sản phẩm chứa peroxide. Hiện nay, ở Hoa Kỳ, các sản phẩm tẩy trắng sử dụng cho răng còn sống chủ yếu chứa carbamide peroxide và / hoặc hydrogen peroxide. Hai chất này có thể thay đổi màu sắc vốn có của răng, nhưng có khác nhau về mức độ an toàn và hiệu quả. Nhìn chung, tẩy trắng răng tại các cơ sở nha khoa hoặc dùng khay tẩy trắng tại nhà đã được chứng minh là có hiệu quả, mặc dù kết quả có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như loại vết bẩn, tuổi của bệnh nhân, nồng độ của các chất, thời gian và tần suất điều trị. Ngoài ra, sự đổi màu răng do một số nguyên nhân cụ thể nào đó làm cho thuốc tẩy trắng không có hiệu quả trên răng đó, đòi hỏi phải điều trị bằng các phương pháp khác như phục hình.
Trong phòng nha, vật liệu tẩy trắng có nồng độ hydrogen peroxide cao (thường là 15-38%), trong khi các sản phẩm tẩy trắng tại nhà thường dao động từ 3% đến 10%. Tuy nhiên, đã có những sản phẩm tự tẩy tại nhà chứa tới 15% hydrogen peroxide.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại khi nhiều người lạm dụng các sản phẩm tự tẩy trắng răng được bán trên thị trường, không được các bác sĩ khám và theo dõi. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy rằng tẩy trắng răng là một biện pháp tương đối an toàn, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục báo cáo tác dụng phụ của các chất tẩy trắng trên mô cứng, mô mềm. Vấn đề an toàn đã được đặt ra liên quan đến các tác dụng tẩy trắng vào cấu trúc răng, tủy, và các mô niêm mạc miệng, cũng như hệ thống tiêu hóa. Các gốc tự do được sản xuất bởi peroxide được sử dụng trong các sản phẩm tẩy trắng có khả năng phản ứng với protein, chất béo và axit nucleic, gây ảnh hưởng đến niêm mạc miệng,tương tác với DNA có thể gây bệnh ung thư. Các nghiên cứu trong hơn 20 năm qua cho thấy nếu sử dụng sản phẩm tẩy trắng có chứa 10% carbamide peroxide (3,5% hydrogen peroxide) thì không có ảnh hưởng đến nướu hoặc sức khỏe răng miệng về sau.
Răng có thể ê buốt nhẹ đến trung bình trong giai đoạn đầu của tẩy trắng, điều này thường gặp ở 2/3 số người dùng. Mức độ ê buốt thường liên quan đến nồng độ peroxide của vật liệu và thời gian tiếp xúc. Đó là kết quả của việc peroxide xuyên qua men dễ dàng đến ngà răng gây kích thích tủy trong một khoảng thời gian từ 5 đến 15 phút. Tuy nhiên, không có báo cáo nào đề cập đến vấn đề ảnh hưởng đến tủy về sau. Tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của răng ê buốt có thể phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm tẩy trắng, các kỹ thuật được sử dụng, và cơ địa của mỗi người. Cho đến nay, có rất ít bằng chứng được công bố về tác dụng phụ của việc tẩy dặm thêm tại nhà bằng các khay tẩy trắng được chỉ định bởi các nha sĩ.
IV. THẬN TRỌNG
Tương tự như các can thiệp nha khoa và y tế khác, bác sĩ có thể xem xét đề xuất hoãn tẩy trắng răng đối với phụ nữ mang thai.
Trẻ em và thanh thiếu niên nên để các răng vĩnh viễn mọc đầy đủ và ổn định rồi mới xem xét đến việc tẩy trắng răng.
V. THỜI GIAN ĐIỀU TRỊ
Thời gian điều trị và kết quả dự kiến sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đổi màu răng, cũng như các sản phẩm và kỹ thuật được chọn. Mức độ trắng sau khi tẩy có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân như đổi màu răng có liên quan đến di truyền / quá trình phát triển, tuổi tác, nhiễm màu bên ngoài do ăn uống hoặc nhiễm màu do sử dụng tetracycline hoặc thay đổi thứ phát như chấn thương, bệnh lý tủy răng.
- Tẩy trắng tại phòng, cần có lịch trình điều trị để giúp giảm thiểu ê buốt cho răng. Mỗi đợt điều trị trên ghế kéo dài khoảng 90 phút. Trung bình số đợt tẩy trắng để được kết quả tốt nhất thường là 3, tối đa là 6 đợt. Mỗi đợt nên cách nhau 1 tuần. Thay đổi màu sắc thực tế sẽ không được rõ ràng sau 2-6 tuần điều trị. Tái điều trị tại ghế mỗi năm 1 lần
- Với khay tẩy trắng, mang máng tẩy mỗi ngày 90 phút, tẩy liên tục trong 3 tuần. Răng thường sáng trong 3 ngày đến 6 tuần. Tuy nhiên, răng nhiễm màu do nicotine mất 1-3 tháng. Răng nhiễm tetracycline có thể không đáp ứng hoặc đáp ứng sau 2-6 tháng (hoặc hơn) dưới sự theo dõi hang ngày của nha sĩ. Tái điều trị 3 tuần liên tục mỗi năm.
- Các sản phẩm tự tẩy trắng răng, tùy theo nhà sản xuất. Như đã đề cập trước đây, nếu lạm dụng và không được theo dõi bởi các nha sĩ có thể sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn.
Nồng độ peroxide cao hơn sẽ gây ê buốt nhiều hơn nhưng không có nghĩa là rút ngắn thời gian điều trị vì răng của mỗi người có đáp ứng khác nhau ở mức độ khác nhau. Trong khi điều trị, nếu răng quá ê buốt có thể cần phải đổi sang một sản phẩm tẩy trắng thay thế, hoặc thay đổi thời gian điều trị hoặc số lần điều trị. Tùy thuộc vào phản ứng, tác dụng phụ của bệnh nhân hoặc các vấn đề khác, bệnh nhân có thể tạm ngưng hoặc dừng tẩy trắng.
Kết quả tẩy trắng răng không phải vĩnh viễn mà cần tái điều trị định kỳ ngay cả những người rất quan tâm đến việc tránh các tác nhân gây nhiễm màu cho răng.
VI. TÓM LẠI
Chúng ta cần lựa chọn loại hình điều trị tẩy trắng thích hợp nhất dựa trên nhu cầu, điều kiện tài chính và sức khỏe răng miệng được đề nghị bởi các bác sĩ răng hàm mặt. Các sản phẩm mua tại các siêu thị nên được tư vấn tại các trung tâm nha khoa để tránh những tác dụng phụ về sau.
(Những thắc mắc về điều trị tẩy trắng răng
Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ 2009)